P4 - 3
8.
Một chuyến tầu vệ sinh quân y được trang bị bằng tiền quyên góp của Uỷ ban cứu trợ thương binh do quận chúa Tachiana đứng đầu, đã tới mặt trận, nơi đặt bản doanh của bộ tham mưu sư đoàn. Chuyến tàu dài dằng dặc, gồm nhiều buồng tắm hơi xấu xí. Trong toa hạng nhất, có mấy vị khách, vài nhà hoạt động xã hội ở Moskva mang quà tặng đến cho binh lính và sĩ quan. Misa Gordon cũng có mặt trong số người đó. Anh được biết bệnh viện sư đoàn, nơi có người bạn thiếu thời của anh là bác sĩ Zhivago đang phục vụ, theo chỗ anh biết, hiện đóng ở một làng gần đó.
Misa đã xin được phép đi lại ở vùng ven mặt trận, và sẵn giấy thông hành trong tay, nhân có chiếc xe ngựa chạy đến làng ấy, anh liền đi thăm bạn.
Bác đánh xe không rõ là người Bạch Nga hay người Lidva, nói tiếng Nga không thạo. Vì lo sợ gián điệp nên câu chuyện giữa hai người chỉ bó hẹp trong vài câu nói chung chung, ai cũng biết. Cần phải tỏ ta mình có tinh thần cao, nên rất khó chuyện trò. Gần suốt quãng đường, bác đánh xe và ông khách cứ ngồi lầm lì, chả ai nói gì với nhau.
Ở bộ tham mưu, nơi người ta đã quen di chuyển cả từng đạo quân và tính khoảng cách hàng trăm dặm một, người ta nhất quyết với Misa rằng cái làng nọ ở gần đâu đây, chỉ cách độ hai mươi, hai mươi lăm dặm gì đó. Thực ra, phải lặn lội hơn tám chục dặm.
Suốt thời gian đi đường, phía bên trái, chân trời dội lên những tiếng nổ ầm ầm, vang rền, ghê sợ. Misa chưa bao giờ thấy động đất. Nhưng anh nghĩ rất đúng, khi so sánh những tiếng nổ ở xa do pháo địch bắn ra đó với sự động đất và tiếng gầm của núi lửa đang hoạt động. Suốt từ tối đến sáng, góc trời phía đó cứ đỏ rực những ánh lửa bập bùng.
Bác đánh xe chở Misa qua các xóm làng bị tàn phá. Một số làng, dân chúng đã bỏ đi hết, ở một số làng khác, người ta ẩn trong những cái hầm đào sâu xunnơ đất. Làng xóm hoá thành những đống rác và gạch vụn xếp thành dãy dài thay thế những ngôi nhà thuở nào. Có thể đưa mắt nhìn khắp làng, từ đầu này đến đầu kia, từ xóm này đến xóm kia như nhìn một hoang mạc không một bóng cây. Có những bà già luẩn quẩn bên các đống gạch vụn là khu nhà cũ của mình, tìm bới trong dống tro một vật gì đó hoặc đem giấu đi. Họ tưởng vẫn còn các bức tường xung quanh tránh cho họ khỏi những con mắt dòm ngó. Họ ngẩng lên, đưa mắt đón và tiễn Misa như muốn hỏi xem loài người sắp tỉnh ngộ chưa và bao giờ mới được trở lại cuộc sống yên ổn thanh bình.
Ban đêm, chiếc xe gặp một toán quân tuần tiễu. Họ ra ệnh Cho xe phải quay trở lại một quãng, rồi bỏ đường lớn mà đi vòng khu vực trước mặt. Bác đánh xe không thuộc đoạn đường mới, thành thử loanh quanh mất đứt hai tiếng đồng hồ.
Rạng sáng, họ đến một làng có tên gọi đúng như người ta mách. Nhưng dân làng chẳng biết gì về bệnh viện họ đang tìm.
Sau mới vỡ lẽ là vùng này có hai làng trùng tên. Trời sáng rõ thì họ đến nơi. Vừa tới đầu làng, Misa đã ngửi thấy mùi thuốc, mùi iodofor. Anh tưởng không phải ngủ lại, chỉ ở chơi một ngày với bác sĩ Zhivago, rồi đến tối sẽ trở về với phái đoàn đang ở nhà ga. Tình thế đã giữ chân anh ở lại hơn một tuần lễ.
9.
Mấy ngày đó, tình hình ở mặt trận bắt đầu thay dổi. Đã xảy ra những chuyển biến bất ngờ. Phía Nam, nơi Misa tới, một binh đoàn của ta đã tấn công quân địch và một số đơn vị đã chọc thủng chiến tuyến của chúng. Phát huy thắng lợi, các đơn vị đó liền thọc sâu vào sau lưng địch. Mấy đơn vị trợ chiến của ta bám theo, mở rộng thêm mũi đột phá, nhưng toán quân tiên phong đã tiến, quá xa, khiến họ bị tụt lại và bị bắt làm tù binh. Thiếu uý Pasa Antipop rơi vào tay địch trong hoàn cảnh đó Một nửa đại đội của chàng đầu hàng, chàng cũng phải hàng theo.
Có nhiều tiếng đồn sai về chàng. Người ta coi rằng chàng đã chết vùi trong một hố đại bác. Đấy là theo lời một người quen của chàng là trung uý Galiulin, cùng một trung đoàn với chàng. Nghe đâu Galiulin đứng ở chòi quan sát, qua ống nhòm đã nhìn thấy Pasa ngã xuống giữa lúc đang dẫn binh lính xung phong.
Trước mắt Galiulin là cảnh tượng thông thường của một đơn vị đang tấn công. Đơn vị tiến nhanh, gần như chạy, qua một cánh đồng ngăn cách ta và địch, có những cây ngải hương khô đang đung đưa trước gió thu và những cây ké gai lầm lì chĩa các gai nhọn lên không. Bằng cuộc tấn công táo bạo ấy, đơn vị phải buộc quân Áo xông ra đánh xáp lá cà, hoặc họ phải dùng lựu đạn tiêu diệt những tên địch nấp trong dãy chiến hào trước mặt. Bộ đội có cảm tưởng cánh đồng kéo dài vô tận. Đất lún dưới chân họ như đất đầm lầy. Thiếu uý của họ lúc đầu chạy trước, sau đó lùi xuống ngang hàng với họ, tay vung khẩu súng ngắn trên đầu, miệng há rất to hô "xung phong", nhưng cả người hô lẫn các binh sĩ chạy bên cạnh đều chẳng nghe thấy gì. Cứ chạy một quãng, họ lại nằm xuống, rồi lại chồm dậy, vừa chạy vừa reo hò. Cứ mỗi lần như thế, lại có vài người cũng phục xuống như các người khác, song điệu bộ giống như thân cây bị đốn ngã trong rừng: đó là những người trúng đạn và không thấy họ đứng dậy nữa.
- Bắn xa quá. Gọi điện cho pháo binh biết đi. - Galiulin lo ngại bảo viên sĩ quan pháo binh đứng bên cạnh. - À mà thôi. Bắn xa thế cũng phải.
Lúc ấy đơn vị tấn công đã tới sát chiến hào quân địch. Đại bác ngừng bắn. Trong giây phút yên lặng tiếp theo, trái tim những người dứng ở chòi quan sát đều đập mạnh, nghe thình thịch dồn dập, tựa hồ họ đang ở vị trí của Pasa Antipop, tựa hồ cũng như chàng thiếu uý, họ đang dẫn quân đến sát mép chiến hào quân Áo và chỉ trong giây lát sẽ phải chứng tỏ sự khôn khéo và can đảm phi thường. Vừa lúc ấy, hai quả trái phá cỡ 16 inches của Đức nổ liên tiếp trước mặt đơn vị xung phong. Những cột khói đen sì lẫn đất cát tung lên mù mịt.
- Trời ơi! Thôi xong! Thế là hết! - Galiulin tái mặt lẩm bẩm, cho rằng thiếu uý và anh em binh sĩ đã hy sinh cả.
Quả trái phá thứ ba nổ ngay gần vị trí quan sát khiến cả bọn phải cúi khom người rút về phía sau.
Galiulin nằm ngủ cùng hầm với Pasa. Khi anh em trong binh đoàn đinh ninh Pasa đã chết, thì họ giao cho Galiulin, là người biết rõ Pasa, các đồ dùng của viên thiếu uý để sau này trao lại cho người vợ goá. Trong đồ dùng của Pasa, họ thấy có nhiều tấm ảnh vợ chàng.
Trung uý Galiulin mới đây còn là thiếu uý ở đoàn quân tình nguyện, là con bác lao công Ghimazetdin ở khu nhà Tiverzin, khi còn học nghề nguội đã từng bị đốc công Petr Khudolev hành hạ. Nay anh được thăng cấp cũng lại nhờ kẻ làm khổ mình ngày xưa.
Nguyên dạo được thăng thiếu uý, Galiulin không hiểu sao lại được cử đến một đơn vị đồn trú xa mặt trận, ở một nơi khá đẩy đủ và an toàn. Ở đó, anh chỉ huy một đám binh sĩ ốm yếu, có những cựu binh huấn luyện cũng chẳng khỏe mạnh gì hơn, và mỗi sáng anh đứng coi họ tập hàng ngũ là điều họ đã quên từ lâu. Ngoài ra, Galiulin còn phải kiểm tra xem họ có cắt lính canh đầy đủ quanh các kho quân nhu hay không. Thật là một cuộc sống nhàn nhã. Chẳng ai đòi hỏi gì thêm ở anh. Bỗng một ngày kia, trong toán binh sĩ bổ sung gồm có những quân nhân các lớp cũ, đưa từ Moskva đến đây, có một người đã khá quen biết là Petr Khudolev.
- Hà, ta lại gặp nhau, - Galiulin nói và cười gằn.
- Thưa thiếu uý, vâng ạ, - lão Petr trả lời, đứng nghiêm và giơ tay chào.
Nhưng câu chuyện đâu chỉ có thế mà xong được. Ngay khi bắt được Petr phạm lỗi trong khi xếp hàng, Galiulin đã quát mắng lão và khi anh có cảm tưởng rằng lão không nhìn thẳng vào anh, anh đã tát cho lão một cái và phạt giam hai ngày đêm, chỉ cho ăn bánh và uống nước lã.
Từ đó, mỗi cử chỉ của Galiulin đều toát ra cái ý trả thù cho chuyện ngày xưa. Nhưng trả thù theo cái lối lợi dụng chức vụ chỉ huy như thế là một trò chơi quá dễ dàng và không cao thượng. Làm thế nào bây giờ? Chỉ có cách một trong hai người phải đi nơi khác. Nhưng một sĩ quan viện cớ gì để đẩy một binh sĩ ra khỏi đơn vị của mình, và đẩy đi đâu, nếu không tống về đội trừng giới? Mặt khác, Galiulin biết bịa ra lý do gì để chính mình xin thuyên chuyển? Viện cớ công việc ở đơn vị đồn trú buồn tẻ và vô ích, Galiulin bèn xin được ra mặt trận. Điều đó làm cho cấp trên có ấn tượng tốt về anh, rồi ngay trong lần thực thi công vụ tiếp theo, anh đã bộc lội các đức tính khác hẳn của mình, chứng tỏ đáng mặt một sĩ quan giỏi. Thế là nhanh chóng anh được thăng từ thiếu uý lên trung uý.
Galiulin biết Pasa Antipov từ dạo ở gia đình Tiverzin. Hồi đó, năm 1905, Pasa sống ở nhà Tiverzin sáu tháng, cậu bé Yuxupka Galiulin thường đến chơi với Pasa, nhất là vào các dịp lễ, và cũng được gặp Lara ở đấy một vài lần. Từ bấy, anh không biết tin gì về họ nữa. Hôm Pasa từ Yuratin tới gia nhập trung đoàn, Galiulin kinh ngạc trước sự thay đổi quá nhiều của người bạn cũ. Cậu bé bẽn lẽn, nhút nhát như con gái, nghịch ngầm và ưa sạch sẽ ngày xưa đã biến thành một người lầm lì, khinh đời, biết đủ thứ trên đời và dễ nổi quạu. Một người rất thông minh, can đảm, trầm lặng và hay giễu cợt. Đôi khi nhìn Pasa, Galiulin quả quyết rằng trong ánh mắt nặng nề của chàng như ở bên trong cửa sổ, có thể nhìn thấy một người thứ hai nữa, một ý nghĩ lắng đọng trong đó, hoặc là nỗi nhớ con, hoặc là khuôn mặt người vợ chẳng hạn. Pasa như kẻ bị bùa mê trong chuyện cổ tích. Và bây giờ Pasa đã hy sinh. Galiulin chỉ còn giữ các thứ giấy tờ, các bức ảnh của Pasa và bí mật về sự thay đổi của chàng.
Sớm muộn các bức thư của Lara hỏi thăm tin chồng của phải tới tay Galiulin. Anh đã chuẩn bị trả lời nàng. Nhưng lúc đó tình hình mặt trận đang nóng bỏng. Trả lời đúng sự thực thì anh không đủ can đảm. Anh muốn chuẩn bị dần dần cho nàng đón tin dữ. Vì thế anh cứ lần nữa không gửi đi một bức thư dài và tỉ mỉ, mãi đến một ngày kia, anh hay tin nàng đang làm y tá ngoài mặt trận. Bấy giờ anh chẳng biết gửi thư cho nàng theo địa chỉ nào nữa.
10.
- Thế nào cậu? Liệu hôm nay có ngựa không? - Misa hỏi bác sĩ Zhivago, khi chàng về ăn trưa ở căn nhà gỗ xứ Galisi.
- Ngựa với nghẽo gì kia chứ? Đang bị bao vây mà anh đòi đi đâu? Chúng mình đang ở giữa một tình trạng hỗn loạn. Không ai hiểu ra sao cả. Ở phía Nam, quân ta đã vòng ra sau lưng địch hay là chọc thủng trận tuyến địch ở một số điểm, mà cũng vì thế quân ta bị phân tán, đã sa vào vòng vây của địch. Trái lại, ở phía Bắc, quân Đức đã qua sông Sventa, ở một khúc mà người ta vẫn coi là không thể nào vượt qua nổi. Quãng một quân đoàn kỵ binh. Chúng đang phá hoại các tuyến đường sắt, tiêu huỷ các khi quân nhu của ta và theo ý tôi, chúng đang bao vây chúng ta. Đấy, tình hình như thế đấy. Còn ngựa xe gì nữa.
- Thôi, Karpenko, nhanh tay lên, dọn đồ ăn đi chứ! Lẹ lẹ tay lên nào! Hôm nay có món gì vậy? A, món chân bê! Tuyệt!
Đơn vị quân y gồm bệnh viện và các bộ phận phụ thuộc, nằm rải rác trong một cái làng may mắn còn được an toàn. Những ngôi nhà làm theo kiểu miền Tây, có những cửa sổ hẹp, nhiều cánh chạy dài suốt dọc tường, vẫn còn nguyên vẹn cả.
Lúc ấy, đang là những ngày đầu thu nắng vàng oi bức. Ban ngày các bác sĩ và sĩ quan mở toang các cửa sổ là luôn tay giết ruồi. Ruồi bay từng đàn đen đen, bò trên bậu cửa sổ và trên trần nhà thấp quét vôi trắng. Mọi người phanh áo, nhễ nhại mồ hôi, giải khát bằng nưởc trà nóng hoặc món nước canh nóng bỏng cả miệng. Ban đêm, họ ngồi xổm trước cửa bếp lò để mở, thổi mãi vào dúm than bị tắt dưới những thanh củi ẩm không chịu bắt lửa, vừa chảy nước mắt vì khói, họ vừa mắng nhiếc đám lính hầu không biết nhóm lò cho tử tế.
Đêm yên tĩnh. Misa và Yuri nằm đối dịện nhau trên hai tấm ván dài kê sát hai bên tường. Giữa họ là bàn ăn và chiếc cửa sổ hẹp, chạy dài suốt từ tường bên này sang tường bên kia.
Căn buồng quá nóng và mù mịt khói thuốc lá. Họ đã mở mấy khuôn cửa kính ở hai đầu cửa sổ để hít cái không khí mát mẻ đêm thu đang làm cho mặt kính đổ mồ hôi.
Cũng như mấy ngày qua, hai người nằm tán chuyện với nhau. Chân trời phía mặt trận vẫn đỏ rực như mọi khi, xen giữa tiếng đại bác nổ đều đều không ngớt, thỉnh thoảng lại dội lên tiếng nổ nặng nề, trầm mạnh hơn như cày đất đá lên. Mỗi lần như thế, Yuri lại ngắt câu chuyện như kính nể tiếng nổ đó.
Chàng ngừng lời một chút rồi nói: "Đại bác Bectha của bọn Đức cỡ 16 inches, nặng ngót một tấn", và khi trở lại câu chuyện, chàng thường quên mất vấn đề hai người đang bàn.
- Trong làng lúc nào cũng có cái mùi ấy nhỉ? Misa hỏi. - Ngay hôm mới đến, mình đã để ý tới. Mùi lờ lợ, nhạt và lợm như mùi chuột.
- À tôi hiểu anh định nói cái gì rồi. Đó là mùi cây gai. Ở đây nhiều ruộng gai lắm. Bản thân cây gai cũng đã có mùi xác chết, dai dẳng khó chịu. Hơn nữa, trong khu vực chiến sự, có những người lính bị chết nằm giữa đám cây gai, lúc xác đã rữa mới phát hiện ra. Ở đây chỗ nào cũng có mùi xác chết, đó là điều dĩ nhiên thôi. Đấy, lại có tiếng pháo Bectha. Anh nghe thấy chứ?
Trong mấy ngày đó, họ đã đề cập đủ mọi chuyện trên đời Misa đã biết quan niệm của bạn về chiến tranh, về tinh thần của thời đại. Yuri kể rằng chàng đã phải cố gắng lắm mới quen dần với thứ lô gíc đẫm máu của sự tiêu diệt lẫn nhau, với hình dạng của các thương binh, nhất là trước một số vết thương ghê sợ do tiến bộ kỹ thuật quân sự thời nay gây ra, làm cho những người sống sót bị tàn phế hoặc trở thành một đống thịt bầy nhầy.
Mỗi ngày Misa lại theo bác sĩ Zhivago đến một khu vực nào đó và cũng nhờ bác sĩ mà anh được thấy đôi điều. Hẳn là Misa cũng ý thức được tính chất vô luân của một kẻ nhàn rỗi đi xem sự can đảm của người khác, xem họ, những người khác ấy bằng sự cố gắng phi thường của ý chí, đang chiến thắng nỗi sợ chết, đang hy sinh và liều mình như thế nào. Nhưng cứ ngồi thở dài thì cũng chẳng cao thượng gì hơn. Anh cho rằng cần phải xử sự phù hợp với cái hoàn cảnh mà cuộc sống đẩy mình vào xử sự một cách tự nhiên và trung thực.
Về chuyện có thể ngất đi khi nhìn thấy thương binh, anh đã nghiệm thấy qua chính bản thân mình, khi đi thăm một chi đội lưu động của Hội chữ thập đỏ đang hoạt động xa hơn về phía Tây, tại một trạm cứu thương đặt gần tiền duyên.
Họ tới ven một cánh rừng lớn đã bị đại bác tàn phá mất một nửa. Cạnh một bụi cây bị giẫm nát, có cái giá pháo bị bẻ quằn vứt chỏng chơ. Một con ngựa buộc bên gốc cây. Ngôi nhà gỗ của trạm kiểm lâm ở sâu phía trong rừng đã bay mất nửa mái. Trạm cứu thương đặt trong văn phòng trạm kiểm lâm và hai căn lều lớn bằng vải bạt, dựng bên kia đường, giữa rừng.
- Đáng lẽ tôi không nên đưa anh tới đây, - bác sĩ Zhivago nói. - Các chiến hào chỉ cách chỗ này độ một dặm rưỡi hay hai dặm, còn các khẩu đội pháo của ta bố trí ở đằng kia, sau khu rừng này. Anh có nghe thấy gì không? Xin đừng làm bộ anh hùng nữa. Anh đang sợ hết hồn, điều đó tự nhiên thôi. Tình hình có thể biến đổi bất cứ lúc nào. Đạn pháo bay đến tận đây cho mà xem.
Cạnh đường có mấy binh sĩ trẻ tuổi, vẻ mệt mỏi, người đầy bụi cát, áo ướt đẫm mồ hôi dính vào vai và ngực, nằm sấp hoặc nằm ngửa trên mặt đất, chân đi giày ống nặng nề giang ra. Đấy là số còn lại của một tiểu đội đã bị thiệt hại nặng. Họ mới được thay phiên sau bốn ngày đêm chiến đấu, được đưa về hậu tuyến nghỉ ngơi một chút. Họ nằm trơ như gỗ đá, mệt đến nỗi không đủ sức mỉm cười hay tán chuyện tiếu lâm, và chẳng ai ngoảnh đầu nhìn khi nghe có tiếng xe ngựa đang lộc cộc chạy tới. Đó là người ta chở thương binh đến trạm cứu thương trên mấy chiếc xe ngựa không có lò xo, khiến những kẻ bất hạnh nằm trên xe bị xóc nẩy lên, không gãy nốt xương thì cũng lộn từng phèo cả ruột gan. Họ sẽ được sơ cứu băng bó vội vã và trong một vài trường hợp đặc biệt cần thiết, sẽ được giải phẫu chớp nhoáng. Tất cả số thương binh ấy vừa được đưa ra khỏi cánh đồng phía trước chiến hào, cách đây nửa giờ, nhân lúc tiếng súng tạm yên. Quá nửa số người bị thương đã bất tỉnh. Các xe ngựa tới trước thềm văn phòng, người ta mang cáng ra khiêng thương binh trên xe, đưa vào nhà. Một cô y tá ngấp nghé ở cửa một chiếc lều, tay giữ hai vạt cửa lều cho khỏi hé ra. Bây giờ không phải phiên trực của cô, cô được rảnh. Phía sau hai cái lều, có hai người đàn ông đang to tiếng cãi lộn. Cánh rừng thoáng và rộng dội lại tiếng quát tháo của họ, nhưng không nghe rõ lời họ. Khi người ta đưa xe thương binh tới cả hai từ trong rừng đi ra, về phía trạm cứu thương. Đấy là một sĩ quan trẻ tuổi đang nổi xung với bác sĩ của chi đội Chữ thập đỏ: Chàng ta muốn biết mấy khẩu đội pháo binh đặt trong cánh rừng này lúc trước, nay đã chuyển đi đâu. Bác sĩ không biết, vì việc đó chẳng liên quan gì tới ông ta. Ông yêu cầu viên sĩ quan đừng quấy rầy và to tiếng với ông như thế nữa, vì người ta đã chở thương binh tới và ông phải làm việc ngay bây giờ, nhưng viên sĩ quan không chịu yên, lại còn nhiếc mắng cả Hội chữ thập đỏ, cả bộ đội pháo binh lẫn hết thảy mọi người trên đời. Yuri lại gần vị bác sĩ. Họ chào nhau và bước vào nhà. Chàng sĩ quan nói giọng lớ ngớ người Tarta vẫn tiếp tục lớn tiếng chửi bới. Chàng ta cởi dây buộc con ngựa ở gốc cây, nhẩy lên yên và phóng vào sâu trong rừng. Cô y tá nọ cứ nhìn theo chàng ta mãi.
Bỗng mặt cô nhăn nhúm lại vì kinh hãi.
- Các anh làm gì thế? Các anh điên rồi, - cô thét lên với hai thương binh nhẹ đang len lỏi giữa các chiếc cáng đi vào trạm cứu thương, đoạn cô chạy ra ngoài lều đuổi theo hai anh kia.
Trên chiếc cáng có một người bị một vết thương kinh khủng. Bác ta bị một mảnh vỏ đạn đập vào mặt, khiến lưỡi và răng hoá thành một đống máu me be bét, mảnh vỏ đạn nằm kẹt giữa khung xương hàm thay thế cho một bên má đã văng đi mất. Bác ta rên lên những tiếng ngắn, giật cục, è è không còn ra tiếng người, ai nghe cũng phải hiểu đó là lời bác ta van xin người ta hãy làm cho bác chết ngay đi, để chấm dứt cho nhanh cái khổ hình cứ kéo dài mãi ấy.
Cô y tá tưởng hai thương binh nhẹ đi bên cạnh chiếc cáng bác ta, nghe tiếng rên xiết đã động lòng thương, đang định dùng tay lôi cái dằm sắt ghê sợ kia ra.
Này, các anh làm gì thế? Đấy là việc của bác sĩ mổ xẻ, mà phải có dụng cụ riêng mới được! Nếu đáng mổ! (Lạy Chúa, Lạy Chúa, xin Chúa gọi người này về với Chúa, Chúa đừng để con nghi ngờ sự hiện hữu của Người!).
Một phút sau, khi người lính trọng thương kia được khiêng lên thềm nhà, bác ta rú lên một tiếng, rùng mình rồi trút hơi thở cuối cùng.
Người vừa chết đó là binh nhì dự bị Ghimazetdin, chàng sĩ quan to tiếng trong rừng là con trai bác ta, trung uý Galiulin, cô y tá là Lara, còn Misa và bác sĩ Zhivago là hai người mục kích. Tất cả có mặt nơi đó, đứng gần nhau, có những người không nhận ra nhau, có những người chưa biết nhau bao giờ, có cái sẽ mãi mãi nằm trong vòng bí ẩn, có cái phải chờ một dịp khác, một cuộc gặp gỡ khác mới tỏ lộ ra.
11.
Thật lạ lùng, ở khu vực này các làng mạc vẫn còn nguyên vẹn. Chúng tạo thành một hòn đảo nhỏ nguyên vẹn giữa biển tàn phá. Misa và Yuri đang trên đường về nhà. Mặt trời sắp lặn.
Tại một làng họ đi qua, có một tên lính Cô-dắc trẻ tuổi đứng giữa tiếng cười ủng hộ của đám đông xúm quanh, đang ném một đồng năm xu lên trời và bắt một lão già Do Thái râu tóc đã bạc mặc áo dài, phải giơ tay, mà bắt. Ông lão không sao bắt được đồng xu cứ lọt qua kẽ mấy ngón tay xòe ra một cách thảm hại, rơi xuống đất bùn. Mỗi lần ông lão cúi nhặt, tên lính lại thừa dịp phát vào mông ông lão một cái, bọn người đứng xem lại ôm bụng cười chảy cả nước mắt. Trò chơi chỉ có thế. Hiện giờ, nó vô hại, nhưng ai dám đảm bảo rằng nó sẽ không đi đến chỗ nguy hiểm hơn. Bà cụ già, vợ ông lão trong ngôi nhà gỗ trước mặt chạy ra, giơ tay về phía chồng mà kêu, rồi lại sợ sệt chạy về ẩn trong nhà. Hai bé gái nhỏ bám cửa sổ nhìn ông của chúng mà khóc.
Người đánh xe thấy cảnh tượng tức cười, bèn cho ngựa đi thủng thẳng để hai ông khách coi chơi. Nhưng bác sĩ Zhivago đã lên tiếng gọi tên lính tới quở trách nặng lời và truyền cho hắn chấm dứt ngay trò ăn hiếp.
- Thưa ngài, vâng ạ, - tên lính vội thưa - Tôi làm như thế không có ý gì xấu ạ. Thưa chỉ để vui một chút thôi ạ.
Misa và Zhivago tiếp tục quãng đường còn lại trong im lặng. Đến lúc trông thấy làng họ ở, Zhivago mới nói:
- Thật là khủng khiếp. Anh vị tất có thể tưởng tượng hết nỗi cay đắng của dân Do Thái trong cuộc chiến tranh này, một cuộc chiến tranh diễn ra ở ngay các tỉnh miền Tây, nơi người Do Thái buộc phải định cư. Và để bù cho những nỗi khổ sở, nạn sưu thuế nặng nề, sự cướp bóc tàn tệ mà họ phải hứng chịu, người ta lại còn tàn sát, phỉ báng họ, buộc tội cho họ thiếu tinh thần ái quốc. Thử hỏi họ lấy đâu ra cái tinh thần ấy, trong khi ở phía quân thù họ được hưởng đủ mọi quyền, còn ở bên chúng ta, họ chỉ toàn bị đàn áp. Chính lòng căm ghét của chúng ta đối với họ cũng dựa trên một mâu thuẫn. Điều làm chúng ta bực tức lại cũng chính là lý do khiến ta phải xúc động và có cảm tình với họ. Cảnh sống nghèo túng, đạm bạc của họ, tình trạng yếu hèn không đủ sức chống chọi của họ. Thật là khó hiểu. Có một định mệnh gì trong đó.
Misa không trả lời bạn.
12.
Lúc này họ lại đang nằm trên hai tấm ván dài kê song song, ở hai đầu chiếc cửa sổ chạy dọc đường. Đêm đã xuống, họ đang trò chuyện.
Zhivago kể cho Misa nghe câu chuyện chàng đã được trông thấy Sa hoàng như thế nào. Chàng kể chuyện rất có duyên.
Dạo đó là mùa xuân đầu tiên chàng sống ngoài mặt trận. Bộ tham mưu của đơn vị mà chàng được điều tới, đóng trên núi Karpat, trong một lòng chảo có con đường dẫn xuống phía thung lũng thuộc Hungary, do đơn vị đó án ngữ.
Ở đáy lòng chảo có một nhà ga xe lửa. Zhivago tả phong cảnh nơi đó khá tỉ mỉ: những quả núi có, thông và tùng mọc trùng trùng điệp điệp, có những đám mây trắng giăng trên sườn núi, những tảng đá hoa cương và phiến nham màu xám nổi lên, tạo thành các vệt lốm đốm giữa rừng cây, trông như các vết sờn hay trụi lông trên một tấm da thú. Một buổi sáng tháng tư ảm đạm. xám xịt và ẩm ướt như các tảng phiến nham, xung quanh bị những chỏm núi cao dồn ép nên trời im gió và rất ngột ngạt. Một cái lò hấp. Hơi nước đè nặng phía trên khu lòng chảo và mọi vật đều bốc hơi, bốc thành những cột khói ngùn ngụt - khói các đầu máy xe lửa trong ga, hơi nước màu xám trên các đồng cỏ, núi màu xám, rừng cây âm u, những đám mây xám xịt.
Những ngày này Sa hoàng đang ở thăm vùng Galisi. Đột nhiên có tin Ngài sẽ đến thăm đơn vị đóng ở đây, đơn vị mà Ngài là tư lệnh danh dự.
Ngài có thể đến bất cứ lúc nào. Trên sân ga, một đội quân danh dự đang sắp hàng nghênh tiếp. Họ đã phải chờ đợi một, hai giờ mệt lử người. Rồi thấy hai chuyến tàu chạy nhanh qua, chuyến nọ tiếp chuyến kia, chở đoàn tuỳ từng. Lát sau, đoàn chở tàu Sa hoàng mới tới.
Hoàng đế có công tước Nicolai Nicolaevich tháp tùng đi duyệt đội ngự lâm quân. Sau mỗi câu chào của Hoàng đế, nghe nhỏ như tiếng nước sóng sánh trong thùng nước đang lắc lư lại nổ lên tiếng "u-ra" vang như sấm.
Vị hoàng đế mỉm cười bối rối, trông già hơn và mỏi mệt hơn các hình khắc trên các đồng rúp và các tấm huân chương.
Mặt ngài lờ đờ và hơi phì phị. Chốc chốc ngài lại đưa mắt như kẻ có lỗi nhìn về phía công tước Nicolai Nicolaevich. Vì ngài không biết người ta chờ đợi ở ngài cái gì trong trường hợp này. Công tước kính cẩn nghiêng mình ghé vào tai ngài, thậm chí không dùng lời nói, mà chỉ cần nhíu mày hoặc nhún vai là đã đưa hoàng đế ra khỏi cơn lúng túng.
Trông hoàng đế thật thảm hại trong cái buổi sáng tháng tư giữa rừng núi, xám xịt và nóng bức ấy. Và người ta cảm thấy ghê sợ, khi nghĩ rằng cái bộ điệu rụt rè, hốt hoảng và lúng túng kia lại tàng ẩn một bản tính bạo vưởng sâu xa, rằng chính cái kẻ nhu nhược ấy lại nắm quyền trừng phạt và ân xá, trói và cởi Ngài phải nói một câu gì đó đại loại như Vinhem đệ nhị: "Trẫm, thanh kiếm của Trẫm và thần dân của Trẫm", hoặc một cái gì tương tự. Dù sao, nhất thiết phải nói đến quốc dân, hẳn thế. Nhưng anh biết không, ngài rất tự nhiên theo kiểu người Nga, và ngài cao hơn điều tầm thường đó một cách bi thảm. Ở Nga, cái lối đóng kịch ấy là vô nghĩa. Mà đúng là đóng kịch, phải không nào? Tôi còn hiểu, hai tiếng "quốc dân" còn ý nghĩa gì dưới thời César, bấy giờ của ta nói đến dân Goba, hoặc dân Suevơ, hoặc dân Iliri. Nhưng từ đấy nó chỉ còn là một điều bịa đặt dùng làm đề tài cho các bài diễn văn của mấy vị sa hoàng, chính khách, vua chúa: quốc dân, thần dân của ta, dân ta.
Hiện nay mặt trận đầy rẫy đám ký giả, phóng viên. Họ viết các bài "Quan sát", những câu châm ngôn bình dân, thăm hỏi thương binh, xây dựng một học thuyết mới về tâm hồn quần chúng. Thật đúng một ông "Đalơ" (1) mới, cũng bịa đặt không kém, một thứ bệnh bút cuồng, đa ngôn. Đó là loại thứ nhất. Còn một loại thứ hai nữa. Những câu nhát gừng, "vài nét phác hoạ" thái độ yếm thế, chủ nghĩa hoài nghi. Chẳng hạn có một tay trong đám đó đã viết mấy câu danh ngôn thế này, chính tôi đã đọc: "Một ngày ảm đạm, y hệt hôm qua. Suốt từ sáng mưa, lầy lội. Từ trong cửa sổ, tôi nhìn ra đường. Một đoàn tù binh dài dằng dặc, nối đuôi nhau lê bước. Người ta chở thương binh. Đại bác nổ. Lại nổ nữa, hôm nay cũng giống hôm qua, ngày mai cũng giống hôm nay, và cứ thế mỗi ngày, mỗi giờ đơn điệu…". Đấy anh xem, văn như thế nghe mới sâu sắc và ý vị chứ! Song tại sao hắn lại khó chịu với tiếng đại bác?
Đòi hỏi tiếng đại bác phải đa dạng thì thật là một yêu sách quái dịr thay vì ngạc nhiên về chính hắn ta đang ngày này sang ngày khác cứ bắn vào chúng ta hàng trăm những bản liệt kê, những dấu phẩy, những câu nhát gừng? Sao hắn không chấm dứt quách những tràng kêu gọi bác ái, vội vã tất bật nhử rệp nhảy, kiểu ký giả, ấy đi? Sao hắn không chịú hiểu rằng chính con người hắn phải được đổi mới, chứ không phải đại bác, rằng có ghi dày đặc những điều phi lý trong cuốn sổ tay, hắn cũng chẳng rút ra được ý nghĩa gì, rằng sự kiện sẽ không thành hình, một khi con người chưa thêm một cái gì đó của mình vào, một chút tài khi biến đổi của con người, một chút tưởng tượng.
- Đúng lắm, - Misa ngắt lời bạn. - Bây giờ cậu để mình trả lời về cái cảnh tượng ta đã thấy chiều nay. Tên lính cô-dắc bắt nạt ông già dáng thương kia chỉ là một trong muôn ngàn biểu hiện của sự đê tiện, chỉ đê tiện mà thôi, không hơn không kém.
Ở đây khỏi cần triết lý, chỉ cần vả vào mõm là xong. Cái đó hiển nhiên rồi. Nhưng vấn đề người Do Thái nói chung thì triết học đang lý giải, và khi đó ta thấy triết học hé ra một phương diện bất ngờ. Nhưng về điểm này thì mình sẽ chẳng nói được điều gì mới đối với cậu. Tất cả những tư tưởng ấy ở nơi cậu mình hiểu là từ cha Nicolai mà ra cả.
Cậu hỏi: dân là gì? Có cần chiều chuộng vuốt ve họ không? Người nào không nghĩ đến bản thân, dùng vẻ đẹp và sự toàn thắng của công việc mình làm mà lôi cuốn dân vào thế giởi đại đồng, làm cho dân trở nên vinh quang và bất diệt, như thế chẳng hơn sao? Dĩ nhiên là như vậy rồi, khỏi bàn. Vả lại có thể nói gì về các dân tộc trong thời đại Kitô giáo kia chứ? Bởi lẽ không đơn giản là các dân tộc nói chung, mà là những dân tộc đã dược hoán cải, biến thái, và vấn đề chính là ở sự hoán cải, biến thái chứ không phải là sự trung thành với các tôn chỉ xưa cũ. Ta hãy nhở lại kinh Phúc âm. Kinh Phúc âm đã nói gì về vấn đề này? Thứ nhất nó không phải là lời khẳng định: phải thế này, phải thế nọ. Nó chỉ là một đề nghị ngây thơ và rụt rè: các người có muốn sống theo kiểu mới, chưa từng thấy, hay chăng? Và tất cả mọi người đã nhận lời, đã bị thuyết phục hàng ngàn năm.
Khi kinh Phúc âm nói rằng trong nước Chúa không có người Hy Lạp, cũng không có người Do Thái, phải chăng điều đó chỉ có nghĩa là hết thảy mọi người đều bình đẳng trước Chúa hay không? Không, nó không dòi hỏi như vậy, các triết gia Hy Lạp, các nhà luân lý học La Mã, các vị tiên tri trong Cựu ước trước nó đã biết cả rồi. Nhưng Phúc âm có ý nói: trong cách sống mới, trong hình thức giao tiếp mới do trái tim con người nghĩ ra và gọi là nước Chúa, không còn các dân tộc nữa, chỉ có những cá nhân con người.
Đấy cậu vừa bảo rằng một sự kiện sẽ trở nên vô nghĩa lý, nếu người ta không đưa vào nó một ý nghĩa. Kitô giáo, phép mầu nhiệm của cá nhân chính là thứ phải dựa vào sự kiện, làm cho nó có ý nghĩa đối với con người…
Ta đã nói đến những nhà hoạt động cỡ trung bình, không biết nói gì với cuộc sống và thế giới nói chung; đến những thế lực hạ cấp chỉ mong cho mọi sự nhỏ nhen hẹp hòi, mong cho lúc nào cũng có vấn đề về một dân tộc nào đó, càng nhỏ càng tốt để dân tộc ấy phải khổ sở vì như vậy mới dễ bề thao túng và làm giàu trên lòng trắc ẩn. Nạn nhân trọn vẹn và hoàn toàn của hiện tượng tự phát đó là dân Do Thái. Tư tưởng dân tộc bóp nghẹt người Do Thái trong cái tất yếu chết người phải là một dân tộc, tiếp tục là một dân tộc, và chỉ là một dân tộc trong suốt những thế kỷ, khi mà nhờ một lực lượng khởi phát từ giữa họ xưa kia, toàn thế giới đã được giải thoát khỏi cái nhiệm vụ thấp hèn ấy. Thật là kỳ quái! Sao điều đó lại có thể xẩy ra nhỉ? Ngày hội kia, sự giải thoát khỏi cái tầm thường khốn kiếp kia, sự cất cánh bay vượt lên trên cái ngu dại thường ngày kia, sự giải thoát khỏi cái tầm thường khốn kiếp kia, cái sự cất cánh bay vượt lên trên cái ngu dại thường ngày kia, tất cả những cái đó đã nảy nở trên mảnh đất của họ, đã nói thứ tiếng của họ, đã thuộc về dân tộc. Và họ đã thấy, đã nghe rõ, rồi để lọt đi mất. Sao họ lại để cái tâm hồn mạnh mẽ và đẹp đẽ nhường ấy bỏ đi mất? Sao họ lại có thể nghĩ rằng ở bên cạnh sự chiến thắng và ngự trị của tâm hồn ấy nhất định họ sẽ tồn tại dưới dạng cái vỏ bao trống rỗng của cái phép lạ mà trời đã tặng cho họ? Sự tự nguyện chịu đau khổ ấy có lợi cho ai? Vì ai mà biết bao cụ già, biết bao đàn bà và trẻ con hoàn toàn vô tội, bao con người tinh anh sắc sảo, có khả năng làm điều thiện và glao tiếp một cách chân tình, lại phải chịu cảnh phỉ báng và tàn sát trong bao thế kỷ! Cớ sao những nhà văn yêu dân của mọi bộ tộc lại bất tài và lười biếng như vậy? Vì lẽ nào các bậc thức giả của dân Do Thái lại không đi xa hơn các hình thức quá dễ dàng của cái nỗi đau thương tuyệt vời và của sự sáng suốt mỉa mai? Tại sao, khi liều mình nổ tưng ra, vì tính chất bất di bất dịch của nghĩa vụ của họ, như nồi hơi nổ trước áp lực quá mạnh, họ lại không giải tán cái dúm người đang đấu tranh không biết cho cái gì và bị tàn sát chẳng biết vì tội gì? Sao họ không bảo những người ấy: "Hãy tỉnh ngộ đi. Thôi đủ rồi.
Khỏi cần nữa. Đừng giữ cái tên cũ làm gì nữa, hãy tản mát đi.
Hãy ở với tất cả mọi người. Các bạn là những người Cơ đốc giáo đầu tiên và ưu tứ nhất. Các bạn chính là cái mà bọn người tồi tệ nhất, yếu ớt nhất trong số các bạn đã đem đối lập với các bạn.
Chú thích:
(1) Đalơ V. I (1801 - 1872) nhà văn Nga, tác giả Bộ từ điển tiếng Nga đầu tiên gồm 4 tập, viện sĩ hàn lâm khoa học Petersburg.
13.
Hôm sau, lúc về ăn trưa, Zhivago bảo Misa:
- Anh nóng lòng sốt ruột muón đi thì sắp được đi rồi. Tôi không thể nói là anh may mắn, vì chúng ta bị tấn công hoặc bị thua thì coi là dịp may sao được. Đường đi về phía Đông không bị cản trở, nhưng về phía Tây, địch đang ép sát quân ta.
Tất cả các trạm quân y đã được lệnh di chuyển. Chỉ mai hay mốt là chúng tôi nhổ trại. Đi đâu, không rõ. Biết mà, này cậu Karpenko, quần áo của ông Misa, cậu lại chưa giặt rồi. Lần nào cậu cũng viện lý do: thưa ông, tại cái bà ấy, thưa ông, cái bà mà… Nhưng nếu có hỏi cậu bà ấy là bà nào thì cậu cứng lưỡi, dồ lười!
Không để ý đến người lính hầu đang ấp úng thanh minh và tởi thái độ khó chịu của Misa vì phải mặc nhờ quần áo của bạn và lên đường với chiếc sơ mi mượn, Zhivago nói tiếp:
- Ôi dào, cảnh sống của bọn tôi ngoài mặt trận đúng là cảnh sống lang thang của dân du mục. Hồi mới dọn đến đây, nhìn cái gì tôi cũng không ưa: nào chỗ đặt bếp lò, nào trần nhâ gác quá thấp, nào bẩn thỉu, ngột ngạt. Thế mà bây giờ có giết tôi cũng không còn nhớ trước kia mình đã ở đâu. Tôi tưởng chừng đã sống ở đây cả thế kỷ, khi ngắm cái ánh nắng và bóng cây ngoài đường đang đùa giỡn trên các hòn đá lát ở góc bếp lò kia.
Họ bắt đầu thong thả sắp xếp hành lý.
Nửa đêm, họ giật mình tỉnh dậy vì tiếng kêu nói ồn ào, tiếng súng nổ và tiếng chân chạy thình thịch. Một bóng người thoáng qua cửa sổ. Bên kia tường, vợ chồng chủ nhà cũng đã rục rịch thức dậy.
- Karpenko, cậu ra ngoài xem có chuyện gì thế. - Zhivago nói.
Lát sau, mọi chuyện đều rõ. Chính Zhivago cũng mặc vội quần áo, đến bệnh viện hỏi xem tin đồn có chính xác không.
Đích xác rồi. Quân Đức đã bẻ gãy sự chống đỡ của quân ta ở khu vực này. Tuyến phòng ngự mỗi lúc một lùi dần về phía làng này. Nơi đây đang nằm dưới tầm đại bác. Người ta cấp tốc di chuyển bệnh viện và các bộ phận phụ thuộc, không chờ có lệnh chính thức. Hy vọng thu dọn xong trước lúc tảng sáng.
- Anh đi ngay chuyến thứ nhất, có xe khởi hành bây giờ, nhưng tôi bảo họ chờ anh. Thôi, tạm biệt. Để tôi cùng ra đấy, bảo họ sắp xếp chỗ ngồi hẳn hoi cho anh.
Hai người chạy vể phía đầu làng, nơi người ta đang xếp dụng cụ lên đoàn xe ngựa sắp khởi hành. Họ chạy dọc các ngôi nhà, khom lưng nép sát tường. Đạn bay vèo vèo. Đến các ngã ba có lối ra đồng, họ thấy những quả đại bác nổ thành htng bó lửa ngoài đó.
Vừa chạy, Misa vừa hỏi:
- Còn cậu, cậu sẽ đi bằng cách nào?
- Tôi đi sau. Còn phải quay lại lấy đồ dùng nữa. Tôi sẽ đi tốp sau.
Họ chia tay nhau của đầu làng. Đoàn xe thứ nhất lần lượt chuyển bánh, sau một lúc lộn xộn, đã đi cách nhau đều đều. Zhivago vẫy tay từ biệt bạn. Một cái nhà chứa đồ bốc cháy, soi rõ hai người.
Zhivago vội chạy về nhà. Chàng nép sát các tường nhà như lúc đi để tránh đạn. Còn cách hai nhà nữa, bỗng chàng ngã vật xuống vì tiếng nổ của một quả đại bác. Một mảnh đại bác làm chàng bị thương. Zhivago nằm giữa đường, máu me đầm đìa và ngất đi.
14.
Bệnh viện hậu tuyến đặt tại một thị trấn ở miền Tây, cạnh đường xe lửa, gần Tổng hành dinh. Lúc đó vào cuối tháng hai, thời tiết ấm áp. Trong căn phòng dành cho các sĩ quan đang bình phục, nơi Zhivago nằm điều trị, người ta đã mở cửa sổ gần giường chàng theo đề nghị của chàng.
Đã sắp tới bữa ăn trưa. Trong lúc chờ đợi, bệnh nhân tìm đủ mọi cách giết thì giờ. Nghe đâu có một nữ y tá mới đến và hôm nay là lần đầu tiên cô y tá săn sóc họ. Galiulin nằm đối diện với Zhivago, đang đọc báo "Lời nói" và "Tiếng Nga" mới nhận và bực tức vì những dòng bị kiểm duyệt bỏ trống.
Zhivago đọc một loạt thư của Tonia mà quân bưu chuyển tới cùng một lúc. Gió nô giỡn các trang thư và trang báo. Người ta nghe có tiếng bước chân nhè nhẹ. Zhivago ngước mắt lên. Lara vừa bước vào phòng.
Zhivago và viên trung uý cùng nhận ra nàng, người nọ không ngờ người kia cũng biết nàng, còn Lara thì không biết cả hai. Nàng lên tiếng:
- Chào các ông. Sao lại để mở cửa sổ như thế kia? Các ông không lạnh à?
Đoạn nàng tới chỗ Galiulin hỏi:
- Ông đau ở đâu?
Nàng cầm lấy tay anh ta để bắt mạch, nhưng nàng buông ra ngay và ngồi xuống chiếc ghế cạnh giường, vẻ bối rối.
Galiulin đã bảo nàng:
- Chị Lara Phedorovna, thật không ngờ! Tôi đã ở cùng trung đoàn với anh ấy, tôi quen anh ấy từ lâu. Tôi đang giữ đồ dùng của anh ấy để trao cho chị.
- Không thể, không thể nào có chuyện đó? - Lara nhắc đi nhắc lại - Sao có sự ngẫu nhiên lạ lùng thế này? Thế ông biết anh Pasa ư? Ông làm ơn kể ngay cho tôi rõ đầu đuôi câu chuyện đi. Có đúng anh ấy bị chết vùi dưới đất hay không? Ông đừng giấu tôi, đừng ngại gì. Tôi biết cả rồi mà.
Galiulin không đủ can đảm xác nhận những tin đồn nàng đã nghe. Anh quyết định nói dối nàng cho nàng yên lòng:
- Anh Pasa bị bắt làm tù binh. Trong một cuộc tấn công, anh ấy đã đưa đơn vị tiến quá xa, nên bị cô lập, bị bao vây và buộc phải đầu hàng.
Nhưng Lara không tin. Tính bất ngờ ghê gớm của câu chuyện khiến nàng bàng hoàng. Nàng không cầm nổi nước mắt, nhưng nàng chẳng muốn khóc trước mặt người lạ. Nàng vội đứng dậy, đi ra ngoài để trấn tĩnh lại.
Lảt sau nàng trở vào, bề ngoài có vẻ đã bình tĩnh. Nàng tránh không nhìn Galiulin để, khỏi oà lên khóc một lần nữa. Nàng đến thẳng chỗ Zhivago, lơ đãng hỏi câu thường lệ:
- Chào ông, ông đau ở đâu?
Zhivago thấy vẻ xúc động và những giọt nước mắt cửa nàng. Chàng muốn hỏi nàng cho biết duyên cớ và muốn kể rằng chàng từng gặp nàng hai lần, hồi chàng đang học bậc trung học và khi đã là sinh viên, nhưng rồi chàng cho rằng như thế là suồng sã, và rất có thể nàng sẽ hiểu lầm chàng. Bỗng chàng nhớ lại hình ảnh bà Anna Ivanovna nằm trong quan tài và những tiếng kêu khóc của Tonia ở phố Sipsep-Vragiec.
Chàng nén lòng, chỉ nói:
- Cám ơn, tôi là bác sĩ, tôi tự săn sóc cho tôi. Tôi chẳng cần gì hết.
"Sao cái nhà ông này lại tự ái với mình nhỉ?" - Lara thầm nghĩ và ngạc nhiên nhìn người lạ mặt mũi hếch, chẳng có gì đáng để ý đấy. Mấy ngày nay thời tiết luôn luôn thay đổi. Ban đêm một làn gió ấm áp cứ thổi lao xao không biết chán, mùi đất ướt lúc nào cũng thoang thoảng.
Suốt mấy ngày đó, Tổng hành dinh đưa ra toàn những tin tức lạ lùng, và mọi người nhận được thư nhà báo cho biết những tin đồn đáng lo ngại. Liên lạc điện tín với Petersburg cứ bị ngắt quãng luôn. Khắp nơi, chỗ nào người ta cũng bàn chuyện chính trị.
Mỗi phiên trực, nữ y tá Lara thường đi thăm thương binh hai lần, vào buổi sáng và buổi chiều, trao đổi vài lời vô vị với thương bệnh binh các phòng, với Galiulin và Zhivago. "Ông ta thật là kỳ dị", - nàng nghĩ - Trẻ trung, thiếu nhã nhặn. Mũi thì hếch, không thể gọi là điển trai được. Nhưng thật là thông mình với cái nghĩa đẹp nhất của danh từ ấy, một trí thông minh lanh lợi, dễ khiến người ta cảm mến. Nhưng nghĩ đến chuyện ấy làm gì kia chứ? Việc cần lúc này là mau chóng chấm dứt nhiệm vụ ở đây, rồi xin thuyên chuyển lên Moskva để được gần bé Katenka. Và trở về Yuratin dạy học. Về phần Pasa, thế là rõ lắm rồi, không còn hy vọng gì nữa, chẳng nên tiếp tục thủ cái vai nữ anh hùng ngoài mặt trận. Cũng chỉ vì muốn tìm chàng mà mình đã bày ra tất cả những trò này.
Bé Katenka độ rày không biết ra sao nhỉ? Tội nghiệp con bé sớm mồ côi cha (nghĩ đến đây, nàng lại khóc). Biết bao thay đổi trong thời gian qua! Mới đây nghĩa vụ đối với Tổ quốc, tinh thần dũng cảm của người lính, tình cảm cao cả của người công dân còn được coi là thiêng liêng. Nhưng chúng ta đã thua trận. Đó là tai hoạ chủ yếu, và cũng vì thế mà mọi sự đều đảo lộn, chẳng còn gì là thiêng liêng nữa.
Đùng một cái, mọi sự thay đổi, giọng nói, thái độ, không khí chẳng còn biết nghĩ thế nào và nghe lời ai. Cứ y như có người cầm tay dắt mình suốt cả đời, như dắt một đứa bé gái, rồi đột nhiên buông tay ra bảo: Tập mà đi lấy một mình! Và chẳng còn ai ở xung quanh, không còn những người thân, những người có uy tín. Lúc ấy ta muốn phó thác cho điều cốt yếu nhất, cho sức mạnh của đời sống, hoặc cho cái đẹp, hoặc cho chân lý, để những thứ đó, chứ không phải những chế định của loài người đã bị lật đổ, sẽ dẫn dắt ta, một cách trọn vẹn và không chút hối hếc, trọn vẹn hơn so với trong cuộc sống thanh bình quen thuộc mà nay không còn nữa. Trong trường hợp của mình đây (Lara trở lại chuyện riêng đúng lúc) chính bé
Katenka phải là mục đích, là cái tất nhiên đó. Bây giờ Pasa đã hy sinh, nàng chỉ làm mẹ, nàng sẽ dành toàn bộ sức lực cho Katenka, cho đứa con tội nghiệp sớm bị mất cha.
Người ta viết cho Zhivago biết rằng Misa Gordon và Nica Dudorov đã xuất bản cuốn sách nhỏ của chàng tuy chưa xin phép chàng; rằng mọi người khen cuốn sách và tiên đoán tác giả sau này sẽ có một sự nghiệp văn chương xán lạn; rằng hiện giờ ở Moskva tình hình vừa hấp dẫn, vừa đáng ngại, sự phẫn nộ ngấm ngầm của các tầng lớp dưới mỗi ngày một tăng và chúng ta đang ở đêm trước của một cái gì hệ trọng những biến cố chính trị lớn lao đã gần kề.
Đêm về khuya. Zhivago buồn ngủ díp mắt. Trong lúc mơ mơ màng màng chàng tưởng rằng sau những xúc cảm ban ngày chàng sẽ không thể ngủ được. Ngoài kia làn gió ngái ngủ cứ quanh quẩn ngáp dài. Tiếng gió than khóc và thầm thì: "Tonia, bé Xasa, ta nhớ mẹ con em, ta muốn trở về nhà ta, về với công việc của ta biết mấy?". Và tiếng gió thầm thì như ru đã giúp Zhivago chợp mắt được một lúc, chàng tỉnh dậy rồi lại thiếp đi trong sự chuyển tiếp mau lẹ giữa hạnh phúc và đau khổ, một sự chuyển tiếp nhanh chóng và đáng ngại, như cái tiết trời thay đổi xoành xoạch, như cái đêm bất ổn định này.
Lara nghĩ bụng: "Anh ấy đã có lòng tốt nhớ đến chồng mình và tốn công bảo quản đồ dùng cho chồng mình, thế mà mình vô ý và đáng ghét quá, chẳng mở miệng hỏi xem anh ấy tên là gì và quê ở đâu".
Sáng hôm sau, lúc đi thăm thương binh, Lara đã sửa lại sự vô ý, xoá dấu vết vô ơn bằng cách hỏi thăm Galiulin mấy điều nói trên. Và nàng cứ luôn miệng à lên sửng sốt:
"Trời, sao lại có sự tình cờ đến thế nhỉ? Số nhà 28, đường Brescơ, gia đình Tiverzin, mùa đông cách mạng 1905! Yuxupka à? Không, tôi không biết cậu Yuxupka nào cả, hay là có lẽ tôi chưa nhớ ra, xin lỗi ông. Nhưng cái năm đó, vâng, năm đó, và cái sân ấy. Đúng, quả thực có cái năm đó và cái sân ấy. Trời, nàng đang hồi tưởng tất cả một cách sống động biết mấy! Cả tiếng súng bắn nhau lúc bấy giờ. Cả (cả cái gì nữa nhỉ, à phảij mình nhớ ra rồi) "Lời Chúa Kitô". Trời ơi, những cảm giác tuổi thơ, những cảm giác đầu tiên mới mạnh mẽ và sâu sắc biết chừng nào! Xin lỗi, xin lỗi trung uý, tên trung uý là gì nhỉ? À phải, trung uý vừa bảo tôi xong. Cám ơn trung uý, trung uý Yosif Ghimazetdinovich Galiulin, trung uý đã gợi cho tôi bao kỷ niệm, bao ý nghĩ.
Suốt hôm đó, cảnh "cái sân" thời niên thiếu không rời trí óc nàng. Nàng cứ luôn miệng thốt ra tiếng kêu kinh ngạc và gần như nói thành tiếng các ý nghĩ của mình.
- À, nhà số 28, đường Brescơ! Và bây giờ lại những tiếng súng bắn nhau, nhưng kinh khủng hơn biết bao lần! Không còn là "những cậu bé đang bắn" nữa. Các cậu đã lớn, và đang ở đây tất cả đã thành những người lính, toàn bộ những thường dân ở các chiếc sân như thế, các làng mạc như thế cả! Lạ lùng, lạ lùng thật!
Anh em thường phê bình từ các phòng bên cạnh chống gậy chống nạng hoặc khập khiễng đi sang, chạy sang phòng này mà báo tin dồn dập;
- Những sự kiện cực kỳ quan trọng, anh em ơi! Tình hình Petersburg đang rối loạn. Quân đội đồn trú ở đó đã ngả sang phía quân khởi nghĩa. Cách mạng rồi!